TIN MỚI:
Tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy sức mạnh toàn dân từ khu dân cư, động viên Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Ngày: 15/11/2022

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn triển khai từ năm 1997 nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18/11, với mục đích ôn lại truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc. Đây là một hình thức hoạt động Mặt trận rất có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chủ trương trên được nhiều địa phương quan tâm triển khai thực hiện và được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, hoan nghênh. Để việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) hằng năm có sự thống nhất thành phong trào chung ở các địa phương trong cả nước, ngày 01/8/2003 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết  toàn dân tộc ở các khu dân cư dịp 18/11 hằng năm. Đây là dịp các tầng lớp Nhân dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tổng kết thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và bàn các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các cuộc vận động ở khu dân cư trong nắm tới; kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cùng sinh hoạt với Nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, tăng cường vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Vũ Thanh Vân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao  tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn An Dân, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy  

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân triển khai tổ chức Ngày hội trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức Ngày hội tại địa phương. Lựa chọn một số khu dân cư trên địa bàn các huyện, thành phố để chỉ đạo tổ chức điểm Ngày hội, mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể về dự chung vui Ngày hội với Nhân dân. Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã chủ động báo cáo cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thống nhất nội dung, chương trình triển khai Ngày hội, phối hợp các tổ chức thành viên của Mặt trận; tham mưu mời lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã về dự Ngày hội; hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức Ngày hội phù hợp với tình hình thực tế ở khu dân cư.

Công tác tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội được quan tâm chú trọng. Các khu dân cư đã làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo thời gian tổ chức ngày hội thông qua các buổi họp, sinh hoạt của Mặt trận và các đoàn thể; phối hợp với đài truyền thanh, ban văn hóa thông tin xã, phường, thị trấn tuyên truyền về truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và truyền thống của địa phương; kẻ vẽ pa nô, áp phích, băng biển, khẩu hiệu, treo cờ Tổ quốc trên các trục đường chính và khu dân cư; tuyên truyền, phát động đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; tạo cảnh quan sáng xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư.

Công tác tổ chức Ngày hội được phối hợp tổ chức chu đáo, chất lượng tổ chức ngày càng được nâng cao. Hằng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội, riêng năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng có trên 60% khu dân cư tổ chức Ngày hội. Chương trình tổ chức Ngày hội tại các khu dân cư được Ban công tác Mặt trận xây dựng phù hợp với từng địa phương đảm bảo cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng. tập trung ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; trao đổi, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của khu dân cư; lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đối thoại giữa Nhân dân với lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Biểu dương khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu. Phát động thi đua và tổ chức ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ của năm sau. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động như trao nhà Đại đoàn kết, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có uy tín, các tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt trong khu dân cư. Tại phần hội, diễn ra các hoạt động biểu diễn các tiết mục văn nghệ nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao tạo khí thế sôi nổi, vui tươi trong Ngày hội. Hầu hết các khu dân cư đều tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”, các hoạt động vui chơi trong Ngày hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng vào cuộc của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân. Cấp ủy các cấp hằng năm đều có thông báo, kết luận chỉ đạo về tổ chức Ngày hội. Bên cạnh kinh phí tổ chức Ngày hội được cấp theo quy định, hầu hết các địa phương đều quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí từ 03 đến 05 triệu đồng mỗi khu dân cư để phục vụ công tác tuyên truyền, khánh tiết, văn nghệ. Ngoài kinh phí được cấp, các khu dân cư đã tích cực huy động nguồn xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tiêu biểu, con em xa quê ủng hộ tổ chức Ngày hội và “Bữa cơm Đại đoàn kết”, bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi khu dân cư, cá biệt có nơi huy động được gần 100 triệu đồng. Nhiều nơi dựng sân khấu ngoài trời, trang trí công phu, thể hiện rõ khí thế Ngày hội. Các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm về dự, tặng quà để động viên, khích lệ Nhân dân tại Ngày hội. Ban Công tác Mặt trận chủ động mời những người con xa quê, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, cán bộ, đảng viên sinh hoạt nơi cơ trú về dự Ngày hội góp phần gắn kết Nhân dân trong khu dân cư. Các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Ngày hội; tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm, không khí vui tươi phấn khởi, tinh thần cởi mở, tin tưởng lẫn nhau trong Nhân dân. Những năm qua, tỉnh Thái Bình vinh dự và phấn khởi được nhiều lần đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2014, khu dân cư thôn Trần Phú, xã Bình Định huyện Kiến Xương đón Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, năm 2018 khu dân cư thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình  huyện Thái Thụy đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về dự ngày hội

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tây Sơn, xã Vũ Chính, Thành phố Thái Bình

Thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 260 nhà văn hóa xã, 1.584 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có thiết bị âm thanh, loa máy, sân khấu, điện nước, được xây dựng, mua sắm từ sự đóng góp tự nguyện tiền của, công sức của Nhân dân, là nơi tổ chức Ngày hội, nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, làm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp chỉ đạo tổ chức ngày hội. Việc triển khai tổ chức Ngày hội còn thiếu tính sáng tạo. Chất lượng tổ chức chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số khu dân cư tổ chức Ngày hội còn hình thức, nặng về phần lễ, chưa quan tâm đúng mức phần hội. Các hoạt động tổ chức trước và trong Ngày hội ở một số địa phương còn dàn trải, chưa thật sự nổi bật, chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần khơi dậy sức mạnh toàn dân từ khu dân cư, động viên Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo để phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thống nhất về nội dung, hình thức, kinh phí và thời gian tiến hành cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Từ đó, kịp thời hướng dẫn cho các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết tại địa phương.  

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Ngày hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp khu dân cư, sinh hoạt của các đoàn thể Nhân dân, hệ thống băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền cổ động... tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân khi tham gia ngày hội.

Ba là, phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong Nhân dân. Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.

Bốn là, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư. Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về Ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.

Năm là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút những kinh nghiệm trong công tác tổ chức Ngày hội để phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo; đồng thời khắc phục những hạn chế thiếu sót. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc triển khai tổ chức Ngày hội.

Vũ Thanh Vân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh