Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên, các ban, đơn vị cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng hơn 1.800 đại biểu tại 63 tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu Thái Bình dự và chủ trì hội nghị có Đồng chí Nguyễn Thế Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường trực, Trưởng các ban chuyên môn, cán bộ và chuyên viên cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã quán triệt một số định hướng cho từng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2022.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Nhiệm vụ thứ nhất mà Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề cập tới đó là các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Theo đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, năm 2022, MTTQ Việt Nam các cấp cần ứng dụng tối đa CNTT trong công tác thông tin, tuyên truyền, không nên giới hạn bởi hình thức, biện pháp truyền thống, mà có thể nghiên cứu để sử dụng hợp lý, an toàn các kênh thông tin thông qua mạng xã hội, đường dây nóng để có thể truyền tải, tiếp cận được đông đảo và kịp thời các tầng lớp Nhân dân.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của đất nước và của mỗi địa phương, MTTQ Việt Nam các cấp cần xác định rõ nội dung để tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân, trong đó, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nội dung Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các sự kiện lớn của đất nước và của mỗi địa phương; các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là phối hợp với chính quyền địa phương vận động Nhân dân chấp hành các quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông quan trọng…
Bên cạnh đó cần phát huy đa dạng các kênh thông tin để tổng hợp, nắm bắt và xây dựng Báo cáo về tình hình Nhân dân. Nhất là các Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của MTTQ phải chủ động nắm bắt thông tin về tình hình Nhân dân, về hội viên, đoàn viên, về lĩnh vực mình đang phụ trách, theo dõi và kịp thời báo cáo về MTTQ cấp trên làm cơ sở xây dựng, tổng hợp thành Báo cáo tình hình Nhân dân của MTTQ từng cấp; Tăng cường vận động, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc, phát huy vai trò người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo nhất là những ngày lễ trọng đại của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo.
“Phải làm sao, Báo cáo tình hình Nhân dân phải phán ánh được nỗi lòng, sự mong mỏi và phản ánh bức tranh chân thực, sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu gợi mở.
Chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả và cách thức triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động
Đề cập đến nội dung này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu thẳng thắn cho rằng, mặc dù các phong trào thi đua, cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào kết quả, thành tích phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước nhưng một số phong trào, cuộc vận động mang tính hình thức, chưa hiệu quả do xác định mục tiêu chưa trúng và đúng với lòng dân và bối cảnh đất nước; cách thức triển khai của các phong trào còn dàn trải, thiếu tính trọng tâm, trọng điểm đồng bộ, chưa tạo sức lan tỏa thực sự trong xã hội...
Bởi vậy, trong năm 2022, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh vận động toàn dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phát huy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc để cùng với chính quyền địa phương các cấp cho lo đời sống an sinh cho người dân nghèo, gia đình chính sách, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả và cách thức triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động của mỗi địa phương và các phong trào, cuộc thi đua do Trung ương phát động để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy địa phương và UBTƯ MTTQ Việt Nam để điều chỉnh theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.
“Có thể mỗi phong trào, mỗi cuộc vận động ta chỉ cần lựa chọn 1 đến 2 nội dung để tập trung triển khai trọng tâm, tạo được sức bật, chuyển biến thực sự trong thực hiện. Dự kiến trong Quý I, Mặt trận Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phong trào, cuộc vận động đang triển khai trong thời gian qua, nhằm lựa chọn, xác định một số nội dung thực chất, “vừa sức”, cần thiết, và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để tập trung triển khai và chỉ đạo.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Cùng với đó, Mặt trận các cấp cần tiếp tục quan tâm tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính cộng đồng, trong mỗi cộng đồng dân cư; phát huy các giá trị truyền thống, phong tục văn hóa của mỗi cộng đồng; thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện
Nhấn mạnh giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác mặt trận trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, hoạt động này đã đạt nhiều kết quả, có những bước tiến nổi bật; nhiều kiến nghị của MTTQ đã được các Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ghi nhận và giải quyết kịp thời, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Tuy nhiên, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng cao hơn, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Bởi vậy, để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống Mặt trận các cấp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu gợi mở, trước tiên, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ xác định các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể và tổ chức hướng dẫn MTTQ các cấp đồng loạt triển khai; trên cơ sở đó tổng hợp kết quả và kiến nghị với các cấp ủy đảng, chính quyền.
Như vậy, để những kiến nghị sau giám sát sẽ toàn diện, thực tiễn và mạnh mẽ hơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình Nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư tri với giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, trên cơ sở kết quả nắm tình hình Nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ta xác định lựa chọn những vấn đề cần phải làm rõ, để từ đó xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Như vậy thì nội dung giám sát, phản biện sẽ thực sự sát với những vấn đề mà Nhân dân quan tâm.
Đối với các địa phương, công tác giám sát, phản biện xã hội cần hướng vào những điểm nóng, những vụ việc cụ thể mà Nhân dân quan tâm; chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy giao MTTQ tham gia từ đầu, từ sớm vào quá trình xây dựng, ban hành các VBQPPL, các quyết sách lớn của địa phương; các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động lớn đến người dân, như các dự án phải thực hiện thu hồi đất, dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, phải đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến Nhân dân… hoặc hiện nay các địa phương trên cả nước đang đồng loạt triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050… MTTQ các địa phương cũng nên ưu tiên thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo các Quy hoạch.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, giám sát, phản biện xã hội là giám sát của Nhân dân, do đó, nội dung giám sát phải là những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, những đòi hỏi, bức xúc từ thực tiễn của đa dạng các tầng lớp Nhân dân, đối tượng chịu sự tác động. Do đó, kiến nghị sau giám sát không nên mang tính thuần túy về khoa học, nghiên cứu mà cần mang nhiều hàm lượng thực tiễn hơn, đây mới chính là mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của chúng ta. Muốn vậy, cần phát huy sự tham gia của các chuyên gia, người làm thực tiễn vào công tác giám sát, phản biện xã hội, đa dạng thành phần tham gia công tác giám sát, phản biện để đảm bảo tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu.
“Cần kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Phải theo vấn đề đến cùng, bảo vệ quan điểm công tâm, khách quan.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp lý và quá trình thực thi để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; Quan tâm tới việc khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Kêu gọi, vận động và có giải pháp thu hút các chuyên gia, Nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài
Khẳng định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác đối ngoại Nhân dân là rất quan trọng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là một trong những cộng đồng người nước ngoài lớn, và mạnh nếu so sánh với các dân tộc trên thế giới. Người Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong danh sách các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới, đây là dư địa rất lớn, nếu chúng ta biết cách phát huy hiệu quả có thể mang lại nguồn lực rất lớn phục vụ cho đất nước. Do đó, thời gian tới, cần quan tâm kêu gọi, vận động và có giải pháp thu hút các chuyên gia, Nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài có sự cống hiến, phục vụ đất nước.
Cùng với đó cần khuyến khích tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu với các địa phương của các nước láng giềng, bạn bè truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Triển khai các nội dung tại Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; Tiếp tục thực hiện các nội dung Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về "Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; trao đổi thông tin, nắm bắt, nghe phản ánh tâm tư nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường thông tin về đất nước tới người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp
Đề cập đến nội dung này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhắc tới nội dung Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, to lớn của Mặt trận trong hệ thống chính trị; quyền, trách nhiệm của Mặt trận được quy định rất nhiều và cũng rất rộng trên các lĩnh vực.
Do đó, để khẳng định vị thế, vai trò của mình, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị MTTQ các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên tại địa phương; quan tâm phối hợp xây dựng và thực hiện hiệu quả các thể chế, quy chế phối hợp triển khai nhiệm vụ giữa MTTQ và các Cơ quan, Ban, ngành của địa phương nhằm tạo lập cơ chế phối hợp, triển khai hiệu quả, nhịp nhàng.
Cùng với đó cần rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống văn bản QPPL về chế độ kinh phí đối với hoạt động của hệ thống mặt trận các cấp, đề xuất, phối hợp cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Các địa phương cũng rà soát để báo cáo, đề xuất với MTTW những khó khăn, vướng mắc của địa phương mình; bên cạnh đó, đề nghị các đồng chí cũng cần chủ động rà soát lại những quy định của địa phương, liên quan trực tiếp đến hoạt động của MTTQ địa phương để tham mưu cấp ủy chỉ đạo chính quyền địa phương sửa đổi cho phù hợp; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận các cấp; Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn, chức danh theo vị trí làm việc; quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn cán bộ Mặt trận các cấp; triển khai đề án về tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ MTTQ các cấp.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, cần phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; phát huy sức mạnh trí tuệ của các Hội đồng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác MTTQ; đồng thời tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thực chất, đúng người, đúng việc và kịp thời hơn; phải có sự cạnh tranh trong công tác thi đua để tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; rà soát xây dựng các tiêu chí thi đua phù hợp với lĩnh vực, cho từng vị trí việc làm để kết quả thi đua, khen thưởng phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
“Với chủ đề công tác năm 2022 là "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả", đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc công tác Mặt trận năm 2022, kết quả năm 2022 sẽ tạo tiền đề, động lực cần thiết, quan trọng, có tính chất quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 - 2024.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Năm 2021, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đồng thời bày tỏ kỳ vọng năm 2022, công tác Mặt trận sẽ có nhiều đổi mới, mỗi cán bộ Mặt trận sẽ dành tâm sức để thực hiện thắng lợi các trọng tâm công tác năm 2022.
Từ những nội dung triển khai tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố cần chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai hiệu quả những nội dung chương trình hành động đã đề ra.
Theo đó, đối với việc triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, Mặt trận các cấp cần tập trung tuyên truyền về 5 nhiệm vụ trọng tâm trong bài phát biểu ngày 16/8/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền về Chỉ thị 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022; Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Cùng với đó, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Đối với việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ Vì người nghèo, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cần chủ động kiểm tra, rà soát toàn bộ các quỹ vận động; kịp thời khắc phục những khiếm khuyết về hồ sơ, thủ tục, thống nhất xử lý những vướng mắc trước khi tập hợp, tổng hợp báo cáo lên Trung ương./.