TIN MỚI:
Sức sống và sự lan tỏa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
Ngày: 05/10/2022
Bước sang quý 4, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị các hoạt động chào mừng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022. Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội trở thành một hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực, không chỉ đem lại không khí vui tươi, đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp Nhân dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở, từ mỗi cộng đồng dân cư.

(Đ/c Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và trao quà cho các hộ chính sách, hộ nghèo tại Ngày hội đại đoàn kết thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ năm 2021)

Trong những năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức thành công và có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư. Hoạt động của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự đã trở thành ngày hội của toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua ngày hội, truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy, khơi dậy các phong trào thi đua ái quốc, góp phần tăng cường và phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Cùng với hoạt động vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ngày hội đã góp phần động viên Nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, khuyến khích làm giàu chính đáng, qua đó đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, các hình thức giúp đỡ nhau, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, như giúp nhau chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ nhau về vốn và các kiến thức kinh doanh. Qua thực tiễn cho thấy, nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự nỗ lực vượt bậc, nhiều hộ gia đình gặp rủi ro, khó khăn, hoạn nạn, từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo thành hộ khá và làm giàu chính đáng, chăm lo cho con cháu học hành, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

(Trò chơi dân gian thi Pháo đất tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng)

Năm nay, tại tỉnh Thái Bình việc tổ chức Ngày hội nhằm tạo khí thế thi đua sổi nổi, động viên, cổ vũ nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, dịch bệnh, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thực hiện và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngày hội để đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" giai đoạn 2021 - 2025, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư; biểu dương gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tiêu biểu và các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện cuộc vận động, có nhiều đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng yêu cầu Ngày hội năm nay được tổ chức ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức phải bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Ngoài ra trong Ngày hội cần lưu ý phần Lễ tổ chức ngắn gọn, tập trung đổi mới nội dung phần Hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, tăng cường đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, khu dân cư.

Có thể nói, cùng với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần làm lành mạnh môi trường văn hoá - xã hội, các quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng đã phát huy hiệu quả, được thể hiện rõ trong từng gia đình và trong khu dân cư, những tệ nạn xã hội đã giảm hẳn, các mâu thuẫn trong gia đình, trong khu dân cư về cơ bản được giải quyết thông qua hoà giải tại cơ sở. Các khu dân cư đã không còn những tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, việc xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong Ngày hội tại các khu dân cư đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc, như: Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Những hoạt động cụ thể của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, qua đó đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc và những nhu cầu thiết yếu của khu dân cư.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản và đã trở thành diễn đàn dân chủ của Nhân dân. Người dân được công khai nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hoá, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống ở cộng đồng. Ngày hội đã thực sự khơi dậy bầu không khí dân chủ, cởi mở ngay từ khu dân cư, thông qua ngày hội, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền để Nhân dân biết, trên cơ sở đó mà Nhân dân được bàn bạc, tham gia trực tiếp, đồng thời Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là kênh thông tin phong phú, chính xác nhất từ cộng đồng dân cư, đó là cơ sở để cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến của Nhân dân, từ đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của đời sống Nhân dân, đây là một bước thể chế hoá và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Xuất phát từ những phong trào được phát động ở ngày hội, ở cộng đồng dân cư, Nhân dân đã chủ động, tự giác tham gia vào các hoạt động tự quản, góp phần hỗ trợ đáng kể cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, triển khai các quy định về văn hóa ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc, các hương ước, quy ước của tổ dân phố, khu dân cư giúp cho công tác quản lý trong cộng đồng dân cư đi vào nền nếp và gắn kết người dân trong khu dân cư.

Thông qua ngày hội còn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những hoạt động đó không chỉ trở thành thông lệ trong mỗi dịp tổ chức Ngày hội và các ngày lễ tết, mà đã trở thành nếp sống tự giác, nét đẹp văn hóa của Nhân dân. Thông qua Ngày hội, MTTQ các cấp đã đánh giá lại kết quả, biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời phát động thi đua đẩy mạnh cuộc vận động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và toàn tỉnh.

Với những hoạt động thiết thực, sinh động, phong phú và nhiều ý nghĩa, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho ngày hội có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần động viên Nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Mỗi người dân khi tham gia ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống, qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Văn phòng MTTQ tỉnh