Thôn Đầm, xã Mê Linh: Điểm sáng trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” tại Khu dân cư
Nằm cách trung tâm xã Mê Linh khoảng 3,5 km, thôn Đầm nằm trải dài theo bờ sông Tiên Hưng, nối xã Phú Lương với xã Lô Giang (huyện Đông Hưng). Là thôn loại 2 với 330 hộ, 1.362 nhân khẩu, thôn có một nhà thờ họ giáo Lác Trại với 52 hộ, 175 nhân danh. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các ngành đoàn thể xã Mê Linh, sự lãnh đạo Chi bộ, hưởng ứng các phong trào thi đua do Ban công tác Mặt trận thôn phát động và bản tính cần cù, chịu khó, nhân dân trong thôn ngoài sản xuất nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi đã đòan kết tích cực mở rộng thêm nghề phụ đã góp phần phát triển kinh tế, xây dựng “Gia đình văn hóa” gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

(Phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp nâng cao thu nhập cho nhân dân tại thôn Đầm, xã Mê Linh)
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trọng Hoằng – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân (UBND) và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Chi ủy chi bộ đã ban hành Nghị quyết giao cho Ban công tác Mặt trận đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập và xây dựng “Gia đình văn hóa”. Chính từ nghị quyết của Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn đã đề ra kế hoạch vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra tiếp tục phát triển nghề phụ, tăng thu nhập ngay từ địa bàn. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” gắn với xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận đã tổ chức trên 30 cuộc họp toàn thôn bàn bạc thống nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế, các nội dung trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, căn cứ vào địa hình, sự phân bố dân cư, Ban công tác Mặt trận đã thống nhất chia ra làm 12 cụm dân cư tự quản, mỗi cụm có từ 30- 40 hộ dân, các cụm tự bầu ra một người làm cụm trưởng điều hành công việc và tổ chức tuyên truyền, vận động cho các hộ trong cụm.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chủ trương thành lập cụm dân cư tự quản, các chủ trương, kế hoạch của thôn được triển khai rộng khắp trong nhân dân, các cụm dân cư đã chủ động trong các công việc như vận động 100% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá ngay từ đầu năm, 100% số hộ hưởng ứng phòng trào bảo vệ môi trường, gia đình không sinh con thứ 3, không vi phạm an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ma túy, tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông, hỗ trợ nhau sản xuất, phát triển kinh tế với 20% số hộ có chuồng trại chăn nuôi duy trì thường xuyên từ 15 – 20 con lợn, 65% số hộ tích cực cải tạo vườn tạp, củng cố ao nuôi cá mang lại thu nhập ổn định từ 20 – 35 triệu đồng/năm, trong thôn có 82% số hộ có nghề phụ như đan mây, sản xuất bao bì, cơ khí … qua đó các phong trào quần chúng thường xuyên duy trì hoạt động tốt, góp phần giữ vững danh hiệu “Khu dân cư an toàn, lành mạnh”, nhiều năm qua, thôn Đầm không có người liên quan đến ma túy, không phát sinh tội phạm, nhân dân tích cực bài trừ tệ nạn xã hội, đời sống văn hóa tinh thần ngày được nâng cao, các câu lạc bộ văn nghệ - thể thao hoạt động thường xuyên, thôn không có trẻ em bỏ học, phong trào khuyến học khuyến tài được duy trì nề nếp, các dòng họ tiêu biểu như: họ Phạm, họ Trần, họ Nguyễn đã vận động hàng chục triệu đồng hàng năm để kịp thời trao thưởng, động viên và hỗ trợ các em học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh có hoàn cảnh vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt trong thôn đồng bào lương, giáo luôn đoàn kết củng cố, tô thắm thêm truyền thống “Tình làng nghĩa xóm”, cùng đóng góp trên 20 triệu đồng và hàng chục ngày công nâng cấp sân nhà thờ Lác Trại làm nơi vui chơi an toàn cho con em trong thôn. Nằm 2013, thôn có 232 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, liên tục trong 3 năm 2011 – 2013, thôn đã đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, nhân dân trong thôn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa với 1,8 thửa/hộ, tự đào đắp trên 5.500m3 đất, tự nguyện đóng góp trên 600 triệu đồng xây dựng được 2.786 m đường bêtông, xây dựng nhà văn hóa thôn trị giá trên 1,2 tỷ đồng, Ban công tác Mặt trận thôn còn tổ chức vận động con em xa quê ủng hộ từ 5 – 7 triệu đồng… đến nay toàn thôn chỉ còn 17 hộ nghèo theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

(Chị Trần Thị Mỳ - áo sẫm màu - đang hướng dãn công nhân sản xuất bao bì)
Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, thôn Đầm đã có rất nhiều gia đình tiêu biểu như gia đình chị Trần Thị Mỳ, hiện chị đang là chủ cơ sở sản xuất may bao bì cho các đơn vị quốc phòng, chị Mỳ cho biết: “- Qua hơn 2 năm mở cơ sở may bao bì tại nhà, gia đình tôi đã thường xuyên tạo việc làm ổn định cho từ 10- 15 công nhân, những người làm ở đây có thể vừa sản xuất nông nghiệp vừa lao động tại xưởng với mức thu nhập hàng tháng từ 2 – 2,4 triệu đồng/người”.

(Anh Trần Văn Khải - trùm trưởng họ giáo Lác Trái - một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu)
Còn đối với gia đình anh Trần Văn Khải – Trùm trưởng họ giáo Lác Trại là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 10 năm liên tục, 2 lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh, trao đổi với chúng tôi, anh Khải không giấu được niềm vui cho biết: “- Chính nhờ phong trào xây dựng Gia đình văn hóa mà các hộ công giáo chúng tôi thêm đoàn kết cùng với nhân dân trong thôn ngày càng tích cực tham gia các phong trào chung, không phân biệt tín ngưỡng, tích cực vận động gia đình phát triển kinh tế, con em chăm ngoan, học giỏi, hàng năm có trên 90% số hộ công giáo trong thôn đạt Gia đình văn hóa, không có hộ nghèo là người công giáo”.

(Đường giao thông nông thôn được mở rộng thuận tiện cho giao thương tại thôn Đầm)
Đánh giá kết quả xây dựng “Gia đình văn hóa” tại thôn Đầm, ông Nghiêm Đăng Huynh: - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mê Linh cho biết: “ -Là thôn có xuất phát điểm thấp, dân số đông, kính tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chi ủy Chi bộ, sự vào cuộc tích cực của Ban công tác Mặt trận và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, thôn Đầm đã phát huy hiệu quả từ phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” góp phần chung để xã Mê Linh đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện nay đã làm thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính những kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân của thôn Đầm là bài học để Đảng ủy xã Mê Linh lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Có thể nói, kết quả xây dựng đời sống văn hoá, “Gia đình văn hóa” ở thôn Đầm hôm nay có được chính là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn và sự phát huy vai trò ngày càng tích cực của Ban công tác Mặt trận thôn. Về thăm thôn Đầm hôm nay, đi trên những con đường bêtông mới, nhìn những nụ cười trẻ thơ đang vui đùa trong nắng sớm mới thấy hết được sự “Thay da đổi thịt” từng ngày của vùng đất ven đê giờ đã mang trong mình một diện mạo mới./.
Lương Thế Lộc - MTTQ tỉnh