TIN MỚI:
THÁI BÌNH: PHẢN BIỆN XÃ HỘI DỰ THẢO “CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”
Ngày: 25/05/2022
(Mặt trận) -Chiều ngày 28/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình chủ trì hội nghị.
 Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có: 1 đô thị loại II; 1 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V; 5 đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa. Thời gian qua, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh thấp so với bình quân cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng; số lượng đô thị không lớn, quy mô đô thị nhỏ, chưa tạo được sự hấp dẫn nhập cư, động lực phát triển đô thị hạn chế. Theo dự thảo “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống đô thị tỉnh sẽ có 24 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%, trong đó: nâng cấp đô thị loại I cho thành phố Thái Bình; nâng cấp đô thị loại IV cho 7 đô thị; thành lập mới 11 đô thị loại V; 5 đô thị giữ nguyên cấp độ. Giai đoạn 2026 - 2030, hệ thống đô thị tỉnh sẽ có 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%, trong đó: nâng cấp 1 độ thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 8 đô thị loại V; giữ nguyên cấp đô thị đối với 15 đô thị.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo, các đại biểu đánh giá cao đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng đã đánh giá rất đúng và sát thực tế về thực trạng phát triển đô thị của tỉnh; đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng cần làm sâu sắc hơn những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó xác định được biện pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế là do công tác quy hoạch chậm, ít được quan tâm; công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập… Về định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm về mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40% đã phù hợp với tốc độ phát triển chưa; ngoài ra, phát triển đô thị cần bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng và phát triển bền vững; ưu tiên phát triển các đô thị có vị trí chiến lược, đô thị đối trọng trong phát triển kinh tế, các đô thị có ảnh hưởng phát triển cho một vùng hoặc tiểu vùng. Nghiên cứu ưu tiên đầu tư xây dựng các cụm đô thị có tác động tương hỗ trong phát triển vùng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, Sở Xây dựng cần cập nhật kịp thời những văn bản mới liên quan đến công tác quy hoạch của trung ương và của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đào Quyên