TIN MỚI:
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh Thái Bình trước yêu cầu mới
Ngày: 07/09/2022
Khuyến học, khuyến tài là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, luôn được kế thừa, gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Ngay từ khi giành được độc lập (năm 1945) Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Người nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Học để làm cách mạng”, “Học không bao giờ cùng”. Chính tư tưởng này của Bác đã thôi thúc toàn xã hội người người học chữ, nhà nhà học chữ để dân tộc thoát khỏi nạn mù chữ, tích lũy tri thức, tạo sức mạnh cho dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng nhận thức rõ: tri thức quyết định sức mạnh dân tộc và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó, xây dựng xã hội học tập chính là giải pháp chiến lược để xây dựng nền kinh tế tri thức. Ngày 13/4/2007 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trong đó đề cập 6 nhiệm vụ, giải pháp đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xây dựng XHHT. Đảng xác định xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục nước nhà.

Đồng chí Vũ Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao thưởng cho học sinh đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021

Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và sự bùng nổ như vũ bão của khoa học, công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số, thế giới bước sang kỷ nguyên phát triển mới: Xã hội số và nền kinh tế số. Xu thế phát triển của thời đại vừa mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời đặt ra đầy thách thức cho mọi quốc gia, dân tộc. Năng lực sáng tạo (của con người) là nhân tố quyết định khả năng tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đất nước phát triển nhanh, bền vững. XHHT chính là nền tảng đảm bảo sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ, vững chắc và trở thành cội nguồn của sự sáng tạo không ngừng trong xã hội. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thời đại mới Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngày 10/5/2019 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành kết luận số 49-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, trong đó chỉ rõ “Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu…”

Tại quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư đã nhấn mạnh “….UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng XHHT”. Đặc biệt chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” Thủ tướng yêu cầu “Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức khuyến học ở các cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu và trong lực lượng vũ trang, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp cả nước”…. “Đưa nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể vào nội dung đánh giá, thi đua hằng năm”. Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” đã nêu quan điểm “Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu”. Trong kế hoạch 186/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình” thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Thái Bình qua một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2030: 100% huyện, thành phố tiếp tục duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 100% các trường Đại học trên địa bàn tỉnh triển khai Đại học số và xây dựng học liệu số chất lượng cao; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% công dân trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống (toàn quốc là 70%); 80% công dân đạt danh hiệu công dân học tập (toàn quốc là 60%); 100% huyện, thành phố được công nhận danh hiệu huyện, thành phố học tập (toàn quốc là 50%); tỉnh Thái Bình được công nhận danh hiệu tỉnh học tập (toàn quốc phấn đấu 35% số tỉnh).

Như vậy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Thái Bình đang thực sự đứng trước những yêu cầu mới đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và 3 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới: từ tỉnh đến các huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các xã phường, thị trấn đều có Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập; tổ chức khuyến học đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến hết quý I/2022 toàn tỉnh đã có 672 Hội Khuyến học cơ sở (trong đó có 260 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100%); có 6.158 Ban khuyến học của các dòng họ, nhà chùa, nhà thờ, các đơn vị lực lượng vũ trang. Tổng số hội viên khuyến học toàn tỉnh gần 644 ngàn người đạt tỷ lệ 33,8% dân số của tỉnh (bình quân toàn quốc cuối năm 2020 là 21,58%); các mô hình học tập: Gia đình học tập; Dòng họ học tập; Cộng đồng học tập (thôn, tổ dân phố, cộng đồng học tập cấp xã); đơn vị học tập không ngừng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hàng năm. Năm 2021 Thái Bình đã hoàn thành thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” và triển khai thực hiện đại trà từ năm 2022. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng quỹ khuyến học được triển khai sôi nổi trên các địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bình quân trong 10 năm (giai đoạn 2010-2020) mỗi năm các tổ chức khuyến học các cấp đã trao hơn 110 ngàn suất học bổng với số tiền gần 12 tỷ đồng cho đối tượng học sinh nghèo, học sinh giỏi.

Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm 2022

Do có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đào tạo hoạt động khuyến học, khuyến tài đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng XHHT những năm qua: Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn, 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi lao động đạt trên 99,9%; có trên 90% cán bộ công chức, viên chức tham gia các chương trình nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, trên 20% cán bộ công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 5% có trình độ bậc 3 (đạt mục tiêu Đề án); 100% cán bộ công chức giữ chức vụ quản lý từ cấp phòng trở lên ở cấp huyện, cấp tỉnh được đào tạo đạt chuẩn và được bồi dưỡng thường xuyên theo chương trình quy định; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo vị trí công việc được đảm nhiệm; trên 60% lao động nông thôn được tham gia các lớp học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; trên 85% công nhân lao động tại các khu công nghiệp qua đào tạo nghề (đạt mục tiêu đề án ).

Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập những năm qua vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục: nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Việc phát triển tổ chức khuyến học và xây dựng mô hình học tập trong hệ thống doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; phong trào khuyến học, khuyến tài chủ yếu chú trọng vào đối tượng học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa chú trọng đến đối tượng người lớn; học tập thường xuyên, học tập suốt đời chưa thực sự trở thành động lực và nhu cầu trong đa số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp…

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Thái Bình đáp ứng kịp với yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2021-2030 Hội Khuyến học các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:

Một là, Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT; về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã nêu trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, trước hết là phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hai là, Tiếp tục, củng cố xây dựng, phát triển tổ chức Hội và phát triển hội viên khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học rộng khắp trong các cộng đồng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và trong lực lượng vũ trang đảm bảo tổ chức khuyến học có hệ thống chặt chẽ, vận hành hiệu quả, dễ khảo sát, kiểm tra, đánh giá.

Ba là, Hội Khuyến học các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, đào tạo và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình học tập: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập đã được đề cập trong các kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ, của tỉnh và các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó đặc biệt coi trọng mô hình “Công dân học tập” vì công dân học tập là hạt nhân của mọi mô hình học tập khác. Đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của nhân dân.

Bốn là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của Thường trực hội với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thực sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương, cơ sở, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được gắn với đánh giá kết quả công tác hằng năm và các phong trào thi đua khác.

Năm là, Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành của các cấp hội. Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thái Bình là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Trong đó hiếu học, trọng học là nét văn hóa nổi trội của người dân Thái Bình. Với nhận thức đúng đắn và sự quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chúng ta hy vọng và tin tưởng Thái Bình sớm trở thành tỉnh đạt danh hiệu “Tỉnh học tập”.

Vũ Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh