TIN MỚI:
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Ngày: 25/11/2022
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của tổ chức hội nông dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng công cuộc xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tổ chức hội xây dựng chương trình, kế hoạch, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực phát huy vai trò chủ thể trong tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổ chức hội các cấp đã chủ động đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của hội viên, nông dân. 10 năm qua, tổ chức hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 905 hội nghị tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho 109.586 lượt người tham dự; phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đưa nhiều tin hoạt động hội và gương điển hình là hội viên trong tham gia xây dựng nông thôn mới, trong sản xuất, kinh doanh giỏi... Tỉnh hội biên soạn và phát hành 84.000 cuốn tài liệu sinh hoạt quý; tổ chức 16 cuộc thi sân khấu hóa lồng gắn các nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới: Hội thi “Nhà nông đua tài”, “Nông dân với an toàn giao thông”, “Nông dân với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, “Nông dân với an toàn thực phẩm” để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, do đặc điểm của Thái Bình diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít bình quân khoảng 500m2/khẩu, manh mún 3,67 thửa/hộ nên một nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất vì nó động chạm đến quyền lợi của từng hộ gia đình. Nhưng với quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các đoàn thể, trong đó chủ chốt là Hội nông dân, các gia đình hội viên và nông dân đã dân chủ bàn bạc, tự nguyện tiến hành dồn điền đổi thửa, không so bì thiệt hơn. Kết quả, đến năm 2013 có 99,6% số xã trong tỉnh thực hiện xong dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, đã giảm 51,8% số thửa so với trước khi dồn điền đổi thửa; bình quân còn 1,79 thửa/hộ.

 

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dưa lưới tại xã Bình Định, huyện Kiến xương

Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất đã bộc lộ hạn chế của việc sản xuất manh mún, đó là chi phí sản xuất cao, khó đưa máy móc vào sản xuất, không tạo ra một lượng hàng hóa lớn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy đòi hỏi phải tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp một lần nữa. Tỉnh ủy Thái Bình đã có chủ trương và các ban ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền vận động nông dân tích tụ ruông đất để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên tự nguyện cho mượn, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, liên kết với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất với diện tích lớn. Kết quả đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 22.169 héc-ta đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; diện tích đất tập trung theo hình thức hợp đồng liên kết gắn với tiêu thụ 14.286 héc-ta. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn thuê đất, nhận quyền sử dụng đất để tích tụ với diện tích lớn để sản xuất lúa hàng hóa.

Trong xây dựng Nông thôn mới, vai trò chủ thể của người nông dân càng thể hiện rõ nét. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” các cấp Hội trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hiến đất, đóng góp sức người, sức của để xây dựng các tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi... Trong 10 năm qua, hội viên, nông dân đã hiến hàng triệu mét vuông đất, gần 2 triệu ngày công lao động và ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng để tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. 100% gia đình hội viên đấu nối và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm an toàn; thành lập và duy trì các tổ vệ sinh môi trường, vận động hội viên thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt... Hội nông dân cơ sở đã xây dựng được 300 tổ thu gom rác thải tại các khu dân cư, tham gia xây dựng các khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, các “Con đường nông dân tự quản”, “Hàng cây nông dân”... Các cấp hội đã chỉ đạo và tổ chức xây dựng 475 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; 195 mô hình chăn nuôi áp dụng chế phẩm sinh học;  10 mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt”...

 

Hội thi “Nhà nông đua tài toàn tỉnh lần thứ V - năm 2022”

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt của Hội. Bình quân hằng năm có khoảng 83% số hộ hội viên đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, cuối năm qua bình xét, suy tôn có 75,1% số hộ đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Để tạo động lực cho phong trào, các cấp hội đã chủ động triển khai nhiều chương trình phối hợp với các sở, ngành. Bình quân mỗi năm đã phối hợp tổ chức gần 3.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 250.000 lượt người. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ủy thác, tín chấp giải ngân gần 3.000 tỷ đồng cho trên 60.000 lượt hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; huy động và tạo nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 29 tỷ đồng; phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề; xây dựng nhiều mô hình điển hình và tổ chức tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân đã vận động thực hành tiết kiệm giúp đỡ gia đình hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ giống, vốn, công cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp với tổng trị giá trên 114.536 triệu đồng và 272.237 ngày công.

Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên, nông dân còn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bình quân hằng năm có trên 95% số hộ hội viên đăng ký và phấn đấu đạt gia đình văn hóa, qua bình xét có trên 92% số hộ đăng ký đạt và được công nhận “Gia đình văn hóa”. Tổ chức hội các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phối hợp tổ chức 2.487 buổi trợ giúp pháp lý cho 93.125 nông dân; 289 tổ tự quản an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở các địa phương.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của hội viên, nông dân tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã góp phần cùng với các cấp, các ngành tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả vào phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Thái Bình có 100% số xã, 100% số huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 24 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 49% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 6 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Từ thực tiễn và những kết quả đạt được thời gian qua, trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để khơi dậy niềm tự hào và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Lê Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh