TIN MỚI:
Kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” giai đoạn 2017-2022 của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình
Ngày: 07/09/2022
Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"(sau đây gọi tắt là Cuộc vận động) được Đại Hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 phát động. Với 8 tiêu chí, gồm 5 không: Không nghèo/ không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội/ không bất bình đẳng giới/ không có bạo lực/ không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng. 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Đây là cuộc vận động có nội dung, ý nghĩa rất sâu sắc và thiết thực, định hướng rõ những việc cụ thể để phụ nữ phấn đấu, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc và bảo vệ môi trường, đồng thời có ý nghĩa động viên, nhắc nhở, gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng hưởng ứng. Thông qua thực hiện cuộc vận động nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt công tác gia đình và đảm bảo an sinh xã hội làm cơ sở nền tảng để đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Nhận thức rõ được điều đó, 5 năm qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thái Bình và điều kiện thực tế của tỉnh, tập trung chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh triển khai thực hiện Cuộc vận động. Cùng với việc ban hành các văn bản như Kế hoạch triển khai, Hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ đã chỉ đạo các cấp Hội lồng gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào "Phụ nữ Thái Bình chung tay bảo vệ môi trường"; phong trào "Chống rác thải nhựa";  phong trào "Không xả rác thải nhựa ra biển" trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình” và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Chỉ tiêu: mỗi cơ sở Hội, hằng năm chủ động đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất 01 công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; lựa chọn ít nhất 02 tiêu chí/8 tiêu chí của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện; giúp ít nhất 02 hộ nghèo có phụ nữ thoát nghèo; mỗi chi hội giúp thêm 1-2 hộ gia đình hội viên đạt "Gia đình 5 không, 3 sạch".

Các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" giai đoạn 2017 - 2022 

Các cấp hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cho cán bộ Hội từ tỉnh đến Chi hội. Tổ chức các lớp chuyên đề truyền thông nội dung, tiêu chí, cách thức triển khai thực hiện Cuộc vận động, kiến thức về bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn, kiến thức về xây dựng nông thôn mới, kiến thức về bình đẳng giới, về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.... Biên soạn và phát hành 45.000 tờ gấp về nội dung, tiêu chí của Cuộc vận động, đồng thời các cấp Hội chủ động tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động trên Website Hội LHPN tỉnh, huyện, thành phố và Bản tin Sinh hoạt hội viên hàng quý. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án "Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đến năm 2020"; Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2020-2025; Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch góp phần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2022-2026... đây chính là những tác động tích cực cho thực hiện cuộc vận động hiệu quả.

Thực hiện tiêu chí “Gia đình không đói nghèo”, các cấp hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tổ chức tài chính vi mô nhận ủy thác gần 2.500 tỷ đồng cho 50.000 thành viên vay. Thành lập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình tháng 6/2018, đến nay đã triển khai tại 35 xã cho 3.919 hộ gia đình vay vốn xây dựng công trình vệ sinh và phát triển kinh tế gia đình với số tiền 46,82 tỷ đồng. Vận động nữ doanh nhân tài trợ nguồn vốn 850 triệu đồng cho 170 phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất 0%. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, như: tiết kiệm tại chi hội; hỗ trợ giống cây, con… 5 năm qua, các cấp hội trong toàn tỉnh đã xây dựng được nguồn vốn tiết kiệm là 191,8 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế gia đình và tặng hội viên nghèo hàng nghìn con, cây giống. Xây dựng, nhân rộng mới 112 mô hình về phát triển kinh tế, như: mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa; sản xuất lúa giống; trồng cây vụ đông; cánh đồng 4 vụ. Quan tâm xây dựng các mô hình liên kết, liên doanh, giúp phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa; mô hình tiếp cận với các nguồn tài chính; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, vận động phụ nữ lao động tập trung tại các doanh nghiệp...; các cấp Hội đã giúp được 1.342 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã và 42 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp mở các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, móc sợi, thêu ren; nghề may công nghiệp...cho 7.240 lao động,giới thiệu, tìm tạo việc làm cho trên 21.688 lao động nữ góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phụ nữ ngay tại địa phương; ra mắt mô hình nhóm "Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp” và mô hình "Phụ nữ khuyết tật tự lực" với 50 thành viên tham gia; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng 136 Mái ấm tình thương tặng phụ nữ nghèo trị giá 4,7 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; đỡ đầu 287 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ 2.920 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2021 xuống còn 2,23%.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình, câu lạc bộ như: Góc tư vấn về gia đình, mô hình “An toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em” “Chi, tổ phụ nữ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Gia đình phụ nữ không có ma túy”, “Chi hội phụ nữ không có thanh, thiếu niên nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”; 1.956 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Các cấp Hội phối hợp với ngành Y tế tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe phụ nữ; truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số kế hoạc hoas gia đình, làm mẹ an toàn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19... Vận động được 392.691 người tham gia BHYT tự nguyện, góp phần đưa tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 87,13% dân số của tỉnh; vận động 976.213 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia bảo hiểm thân thể góp phần vơi bớt khó khăn cho các gia đình không may gặp rủi ro, hoạn nạn.

Thực hiện tiêu chí “3 sạch”, các cấp Hội đã phát huy thế mạnh, vai trò của hội viên phụ nữ xây dựng được 75 công trình cây xanh, trồng 332.508 cây xanh các loại. Xây dựng, duy trì và nhân rộng 218 mô hình “Phân loại xử lý rác thải tại gia đình”, “Biến rác thải thành tiền”; “Cánh đồng sạch”, mô hình “Đường hoa phụ nữ”. Duy trì hoạt động của 1.655 tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhiệm với 9.460 thành viên tham gia; giúp thêm 20.814 hộ gia đình đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”; có 2.407 công trình, phần việc, hoạt động thiết thực, phù hợp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... góp phần tích cực vào kết quả thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.

Mô hình thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà

Phải khẳng định rằng, 5 năm qua, các cấp Hội và hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã rất nỗ lực, trách nhiệm thực hiện Cuộc vận động. Tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện Cuộc vận động; Cuộc vận động đã trở thành điểm sáng, có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng và đời sống của Nhân dân, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Từ những kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 5 năm qua, các cấp Hội rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là: Cần phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức Hội và hội viên, phụ nữ trong thực hiện Cuộc vận động là thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cụ thể là nội dung 3 sạch.

Hai là: Bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Các hoạt động thực hiện Cuộc vận động phải gắn với thực tiễn từng địa phương, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ. Các hoạt động phải được cụ thể bằng các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực.

Ba là: Coi trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động.

 

 

Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh